Tình hình đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành
Nhà nước và nhân dân Việt Nam xác định phát triển giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước đầu tư và tiến hành đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện công bằng trong giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đùnh, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập, mọi công dân trong độ tuổi lao động đều có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Nhà nước và ngành giáo dục rất quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trẻ em tàn tật, khuyết tật thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.
Trong những năm qua cùng hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo, tổ chức và động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và lao động nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” và các cuộc vận động xã hội rộng lớn trong ngành tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp cụ. Đến năm học 2008 – 2009, trên cả nước, đội ngũ nhà giáo trực tiếp đứng lớp có hơn một triệu người, tăng 2,2% so với năm học trước. Tỷ lệ trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn của đội ngũ nhà giáo tiếp tục tăng. Ở các trường đại học, đội ngũ giảng viên tăng, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước và nguồn lực đóng góp của cộng đồng vào việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đầu tư của Nhà nước cho giáo dục - đào tạo liên tục tăng, đến năm học 2008 - 2009, chi cho giáo dục - đào tạo chiếm 20% tổng ngân sách Nhà nước. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo.
Giáo dục dân tộc và giáo dục khuyết tật tiếp tục được quan tâm và ưu tiên. Hiện nay có 285 trường phổ thông dân tộc nội trú với gần 84.000 học sinh và có 1.657 trường phổ thông dân tộc bán trú dân nuôi với 149.458 học sinh. Nhà nước và ngành giáo dục chăm lo đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên chuyên dạy hoà nhập cho học sinh khuyết tật. Năm học vừa qua đã huy động được 390.000 học sinh khuyết tật đi học hoà nhập.
Hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tiếp tục được đầu tư xây dựng ở các vùng, miền, từng bước mở rộng qui mô đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành, địa phương và khu công nghiệp, đáp ứng ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năm học này, số lượng học sinh trung cấp chuyên nghiệp tuyển mới tăng 11,4%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 18,2%. Số lượng sinh viên đại học và cao đẳng tuyển mới tăng 9,2%, qui mô giáo dục đại học tăng 7,2% và đạt tỷ lệ 200 sinh viên trên một vạn dân.
Giáo dục thường xuyên phát triển mạnh, trên cả nước hiện có 65 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 603 trung tâm cấp huyện và 9551 trung tâm học tập cộng đồng ở phường, xã, thị trấn. Các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng đã tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội học tập, học những gì mà người học đang cần, đáp ứng nhu cầu học tập cho các tầng lớp nhân dân, từ nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học và hiện nay có 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ cập trung học cơ sở.
Một số khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục - đào tạo Việt Nam cũng còn những hạn chế; chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và không đồng đều giữa các vùng miền, giữa các khối trường và giữa các hình thức giáo dục, đào tạo; đặc biệt ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Vì các lý do khác nhau, còn một bộ phận học sinh, sinh viên bỏ học, nên việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ học sinh tàn tật, khuyết tật đi học hoà nhập còn thấp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường học ở nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu, trường học chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, thiếu nhà vệ sinh, nước sạch; thư viện còn nghèo nàn; phòng học bộ môn còn hạn chế; thiết bị dạy học thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp.
Trong đội ngũ nhà giáo, nhiều người đã tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với tình hình mới, nhưng nhìn chung kết quả đổi mới phương pháp dạy và học chưa tạo nên bước đột phá về chất, vẫn còn tình trạng dạy theo cách “đọc chép”; chưa thống nhất được mô hình, phương pháp và tài liệu phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học. Một bộ phận nhà giáo trình độ ngoại ngữ và tin học còn hạn chế, nên việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học gặp khó khăn. Đời sống văn hoá, văn nghệ, thể thao của nhà giáo ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn. Nhiều giáo viên trẻ mới vào nghề, lương thấp, gặp rất nhiều khó khăn trong việc vừa phải lo toan cuộc sống hàng ngày về ăn, ở, sinh hoạt, vừa phải chăm lo học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nghĩa vụ công dân. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu đổi mới còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới có từ cuối năm 2008 đến nay, cùng với thiên tai, dịch bệnh và hậu quả hai cơn bão số 9 và số 11 vừa xảy ra ở miền Trung đã và đang tác động tiêu cực nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp, nhà giáo ở các vùng bị lũ lụt đã khó khăn lại thêm khó khăn. Những vấn đề vốn có trước đây của giáo dục, như vấn đề học sinh bỏ học và bất bình đẳng trong hưởng thụ nền giáo dục cơ bản; chất lượng giáo dục - đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; cơ sở vất chất trường lớp học thiếu thốn, thư viện, thiết bị dạy và học lạc hậu; đời sống nhà giáo khó khăn, v.v… trở thành những thách thức, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và tổ chức công đoàn giáo dục các cấp có trách nhiệm cùng tham gia góp phần giải quyết.